Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Vẽ như chính hơi thở của mình

Năm 2019 là một năm thành công của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú: Ra liền một lúc 2 cuốn sách về Tranh Đồ họa và Tranh Minh họa, đồng thời bày một triển lãm tranh đánh dấu hơn nửa thế kỷ hoạt động nghệ thuật. Ấy thế nhưng ông lại ngần ngại khi nói về bản thân, bởi ông quen với ngôn ngữ hội họa hơn...

Nửa thế kỷ cầm cọ

Sinh ra ở Hà Nam nhưng lớn lên từ Cảng Hải Phòng, con người nghệ sĩ của Nguyễn Đăng Phú ngay từ trẻ đã thấm đẫm hương vị mặn mòi của gió biển, cái chân chất mộc mạc của dân chài và cái khỏe khoắn của những bến Sáu Kho, của xưởng đóng tàu và tiếng còi âm vang vào ra bến Cảng.

Ở tuổi 19 (năm 1966), Nguyễn Đăng Phú có giấy gọi vào Khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội. Nhưng đến phút chót, ông lại quyết định thi vào Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. "Đơn giản vì tôi yêu hội họa hơn cho dù cũng là người có năng khiếu văn thơ " - Họa sĩ giải thích.

Hội họa cũng như mọi loại hình nghệ thuật đều có nhiều con đường, nhiều lối đi, nhiều trường phái khác nhau, miễn sao thỏa mãn được sự tìm tòi sáng tạo của người nghệ sĩ.

Nguyễn Đăng Phú là họa sĩ có bút pháp riêng, có phong cách riêng. Trải qua bao năm tháng ông vẫn giữ được cách vẽ ấy mà không gây nhàm chán, đơn điệu.

Tranh của ông là sự kết hợp hài hòa giữa hội họa và đồ họa, giữa nét và mảng, giữa hình cách điệu mang tính triết lý, duy lý mà vẫn bay bổng, tinh tế. Đó là những tác phẩm đặc sắc, cuốn hút và đầy "chất Phú".

 

 

Yêu những tông màu tươi sáng như xanh lơ, xanh lam, vàng nhẹ… tranh của ông bao giờ cũng khiến cho người xem ngỡ ngàng vì sự sang trọng của màu sắc. Ông bảo: "Màu sắc cũng là con người. Hồi ở trường mỹ thuật, học một năm cơ bản xong thì phân khoa. Thầy giáo đưa ra một bảng màu rồi hỏi từng sinh viên là thích màu nào. Nếu thích màu đỏ, màu da cam sẽ phân về khoa Đồ chơi, thích màu nâu, màu đen sẽ phân về khoa Sơn mài… Ngẫm ra cách thử rất vui ấy thế mà chuẩn xác".

Nếu trong tranh sơn dầu, gu thẩm mỹ của ông hiện đại bao nhiêu thì ở tranh bột màu lại nồng nàn cảm xúc bấy nhiêu. Nhuần nhị, khiêm nhường, tinh tế và ấm áp, ông luôn biết cách rung động trước vẻ đẹp mộc mạc và thân thương của làng quê. Những tác phẩm của ông như một cuộc trò chuyện sâu lắng với người xem mà cả hai bên cùng mở lòng để tiếp nhận, sẻ chia.

Ông còn được đồng nghiệp, bạn bè và người hâm mộ gọi là Phú "Tre" vì vẽ tranh phong cảnh về tre nhiều và đẹp vào hàng đầu Việt Nam.

Không chỉ sáng tác tranh và vẽ minh họa cho gần ba chục đầu báo trong cả nước, Nguyễn Đăng Phú còn dành nhiều tâm huyết để chỉ dạy cho các học trò. Với kiến văn rộng ở lĩnh vực mỹ thuật, ông được mời giảng dạy tại Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Công việc này luôn nhắc nhở ông không ngừng cập nhật thông tin hội họa và đồ họa mới nhất mỗi ngày, là cơ hội để được trò chuyện, hiểu thêm về lớp trẻ. Ông quan niệm: Thầy phải dạy những kiến thức mà sinh viên cần chứ không phải dạy những kiến thức mà thầy có. Dạy có nghĩa là học.

"Lão làng" dừng cuộc chơi với tranh cổ động

Nguyễn Đăng Phú được xem là một trong những "lão làng" và có tiếng của ngành thiết kế đồ họa ở nước ta. Đồng nghiệp phong cho ông là "Vua tranh cổ động" không phải vì ông vẽ nhiều mà chưa ai vượt qua sự sâu sắc như tranh của ông, cũng như số lượng giải thưởng trong nước và quốc tế mà ông nhận được.

Là một trong 5 người tốt nghiệp cử nhân tranh cổ động (cho đến nay vẫn là khóa đào tạo duy nhất trong nước) của Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, họa sĩ Nguyễn Đăng Phú được phân về công tác tại Báo Hải Phòng. Môi trường làm việc đã tạo điều kiện cho ông được xuống các cơ sở vẽ và thâm nhập thực tế, được nắm chắc các chủ trương đường lối của Đảng, nên những tranh cổ động của ông đạt nhiều giải thưởng, in phổ biến và lưu giữ tại nhiều bảo tàng. Bấy giờ đang là giai đoạn chống Mỹ cứu nước nên chàng họa sĩ trẻ không quản đêm ngày đi ký họa trực tiếp không khí sôi nổi, hào hùng, thi đua sản xuất và chiến đấu của quân, dân đất Cảng.

Sau này, Nguyễn Đăng Phú có gần 10 năm sống ở Ba Lan, quốc gia có nền đồ họa phát triển và là nơi duy nhất tổ chức triển lãm thường kỳ hai năm một lần tranh cổ động toàn thế giới; có bảo tàng tranh cổ động tại trung tâm Warszava. Là người say mê với thể loại này, ông dồn nhiều tâm trí, thời gian và sưu tầm được hơn 70 đầu sách về tranh cổ động trong và ngoài nước.

Được đào tạo bài bản và có tình yêu lớn dành cho tranh cổ động nên Nguyễn Đăng Phú có cái nhìn rất khắt khe về dòng tranh này. Với ông, tranh cổ động dễ vẽ nhưng không phải ai bước vào sân chơi này cũng thành công. Phải vẽ bằng ý tưởng, trí tuệ, cô đọng, súc tích, dễ hiểu, ít chữ, ít diễn giải…

Tranh cổ động của ông được người xem đánh giá cao vì ông có tư duy cởi mở và hiện đại. Ông thường dùng những hình tượng, biểu tượng cụ thể, rất đời thường, cô đọng chạm vào trái tim người xem gây cảm xúc.

Thành công với tranh cổ động là thế nhưng trong triển lãm "Hội họa Nguyễn Đăng Phú" diễn ra trung tuần tháng 11-2019, ông trưng bày chủ yếu là tranh sơn dầu, sơn mài và bột màu. Họa sĩ cho biết đã dừng vẽ tranh cổ động từ 10 năm nay dù vẫn có rất nhiều nơi mời tham gia các cuộc thi và triển lãm lớn nhỏ. Trong cách ông nói, vừa khiêm tốn, thận trọng, vừa ăm ắp nỗi niềm của người đã không ngừng trăn trở vì một thứ nghệ thuật đã trót "ám" vào mình.

- Ông có cảm thấy hối tiếc khi quyết định dừng vẽ dòng tranh cổ động làm nên thương hiệu của mình?

+ Tranh cổ động là loại tranh giản dị nhưng khó sáng tác. Các họa sĩ vẽ tranh cổ động ở ta còn nhiều hạn chế: Đào tạo thiếu căn bản, thường "vẽ tay trái" hoặc "biến tay trái thành tay phải"… Tiếp xúc với nghệ thuật thế giới, tôi thấy tranh cổ động của các họa sĩ nhà mình lạc hậu, tự bó hẹp trong luẩn quẩn, bắt chước và vẫn tư duy sáo mòn theo mẫu thức: "Trời xanh, mây trắng, nắng vàng/ Công, nông, binh, trí xếp hàng tiến lên"... Trong thời đại bùng nổ thông tin và thế giới mở hiện nay, khi nhận thức của công chúng ngày càng cao thì tôi không cho phép mình sáng tác những tác phẩm không mới về hình thức, sáng tạo về ý tưởng. Nghệ sĩ phải có lòng tự trọng.

- Quan niệm về nghệ thuật của ông?

+ Trước kia đã có cuộc tranh luận về hai quan điểm, hai trường phái: "Nghệ thuật vị nghệ thuật" và "Nghệ thuật vị nhân sinh". Với tôi, nghệ thuật phải đủ hai chức năng: Người nghệ sĩ phải tìm tòi, sáng tạo và định hướng, nâng cao thẩm mỹ cho quần chúng.

 

 

Một tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Đăng Phú.

- Với một nghệ sĩ thì định hình phong cách là quan trọng nhất, nói cách khác, xem tranh người xem phải thấy cái "chất" của họa sĩ đó ngay. Con đường xác lập phong cách riêng của ông?

+ Con đường đi đến phong cách riêng là cả một quá trình. Có người cả đời vẫn không có phong cách riêng, có người chỉ năm ba năm là có. Theo tôi, để hình thành một phong cách riêng, người nghệ sĩ phải xem nhiều, đọc nhiều và làm việc nhiều, phải hết sức cảnh giác vì dễ bị ảnh hưởng từ người khác và sự ngộ nhận chính bản thân mình.

Hội họa, giống như nhiều thứ nghệ thuật khác, phải là tiếng nói cất lên từ trái tim biết rung động. Đừng vẽ vì một tham vọng, một mục đích, một lợi nhuận gì cả, hãy vẽ những gì mình thực sự yêu, thích. Ngày trẻ tôi cho mình cái quyền thích gì vẽ nấy, chấp nhận trả giá bằng cách sống thật với con người mình. Cô đơn giam mình trong căn phòng chỉ có toan, màu và giá vẽ, nhiều khi phải hy sinh những tình cảm riêng, dành thời gian cho vẽ. Tôi tâm niệm: Thời gian là vàng, thời gian không bán được, không mua được, không cho được, nhưng nếu biết sử dụng và tận dụng nó ta sẽ có tất cả. Nó vừa là bạn, vừa là kẻ thù…

Để được gọi là Phú "Tre", tôi đã vẽ liên tục, miệt mài trong nhiều năm (chỉ vẽ tranh phong cảnh về tre), dần dần trong quá trình làm việc tôi tìm ra bút pháp riêng. Tuy nhiên cũng phải hết sức bình tĩnh để công chúng đánh giá, thẩm định và thưởng thức tác phẩm.

Họa sĩ chưa tìm ra phong cách riêng chẳng khác nào sống trong khu nhà tập thể. Khi có phong cách riêng, ban đầu có thể chỉ là một túp lều thôi, nhưng đó là nền tảng để phát triển lên thành những biệt thự, villa và hơn thế nữa…

- Điều gì là quan trọng nhất trong cuộc sống của ông?

+ Giá trị rộng hơn của tác phẩm chính là giá trị nhân cách. Trong các mối quan hệ với gia đình, bạn bè, anh phải sống có nhân cách. Sống để mọi người nhớ  và tôn trọng mình. Tôi luôn tâm đắc với câu tục ngữ: "Hùm chết để da, người ta chết để tiếng.

Khổ người cao lớn, lịch lãm dù thời gian có làm dáng đi của ông chậm hơn. Sở hữu nhiều thành công và hạnh phúc của cả một đời làm nghệ thuật, ở tuổi ngoài 70, họa sĩ Nguyễn Đăng Phú vẫn là một người còn tràn đầy dự định và khát khao khám phá. Bận rộn trong niềm vui của công việc, người nghệ sĩ luôn thấy năng lượng sáng tạo vẫn dồi dào, tình yêu cuộc sống không hề phai nhạt mà như đậm đà ấm áp hơn qua những tác phẩm mới… Mong ông luôn giữ được sức khỏe, sự năng động trong cảm xúc để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định của mình.

Họa sĩ Nguyễn Đăng Phú sinh năm 1947, hiện sống tại phố Hàng Chuối, Hà Nội. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Đến nay, các tác phẩm của ông thuộc bộ sưu tập cá nhân ở nhiều nước trên thế giới: Mỹ, Nhật, Pháp, Ba Lan, Đức, Thụy Điển… Một số khác đang được trưng bày và lưu giữ  tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng  châu Á - Thái Bình Dương  (Ba Lan), Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam…

Trần Thu Hằng

Theo Báo Văn nghệ Công an