Họa sỹ Lê Huy Tiếp - tài năng và đơn độc
Họa sỹ Lê Huy Tiếp (1950), nguyên quán: Nghi Lộc, Nghệ An. Tốt nghiệp Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp khóa VI (1966 - 1969) và Đại học Mĩ thuật Công nghiệp Mat-xcơ-va (1970 - 1975); hội viên ngành đồ hoạ Hội Mĩ thuật Việt Nam từ 1979. Từng làm Phó chủ nhiệm Khoa Đồ họa và Khoa Mỹ thuật môi trường của Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, ủy viên Hội đồng nghệ thuật chuyên ngành Hội hoạ thuộc Hội Mĩ thuật Việt Nam khoá IV. Hiện Lê Huy Tiếp là Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật chuyên ngành Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam. Nhiều tác phẩm hội họa của Lê Huy Tiếp trở thành mẫu mực trong giới học đường và giới nghề, đoạt giải thưởng của ngành mỹ thuật, như các bức sơn dầu “Chiến tranh” (1986), “Đợi” (1996), “Eva trở về” (1997) hay bộ tranh in độc bản “Môi trường biển” (2001)… Lê Huy Tiếp được trao tặng Huy chương Vì sự nghiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Mĩ thuật Việt Nam; Huy chương Vì sự nghiệp Văn hoá Thông tin; Giải thưởng Nhà nước về Hội họa.
Khi tôi bước vào căn hộ của họa sỹ Lê Huy Tiếp ở Mỹ Đình (Hà Nội), anh đang loay hoay lau rửa những chiếc ly dùng để uống rượu vang. Trong cái góc nhà thênh thang đơn độc, anh dường như đã quá quen thuộc với cuộc sống một mình, và đầy hào hứng với công việc nấu nướng. Anh nói: “Tôi thích nấu ăn và dành cho nó nhiều thời gian hơn bất cứ công việc nào, kể cả vẽ”.
Nhân chuyện ăn uống, anh kể: “Tôi nhớ những đêm xưa cùng mẹ thức làm mứt tết. Chính mẹ đã dạy tôi cách làm các loại mứt và nhiều món ăn khác, truyền cho tôi niềm vui nấu nướng”.
Khi lục tìm trong ký ức, Lê Huy Tiếp bỗng dưng trở thành một con người khác hẳn. Anh như người đi dò tìm trong đường hầm, vẫn chấp chới hiện ra đâu đó thứ ánh sáng kỳ ảo dẫn lối. Trận bom Mỹ khiến anh chết hụt năm 1965, khi cậu bé 15 tuổi trên đường từ Nghệ An ra Hà Nội để trị bệnh và theo đuổi giấc mơ hội họa, đã làm mờ nhòe đi một miền ký ức của anh. Miền ký ức mà anh đã luôn tin, nó là miền đẹp đẽ, trong trẻo nhất của mình. Mấy ai biết, người họa sỹ tài năng và đơn độc ấy đã có một cuộc đời đầy biến cố.
Năm 1929, cha anh, khi đó là một thanh niên trí thức, vì tham gia tích cực phong trào học sinh, sinh viên ở trường Quốc học Huế nên bị đuổi khỏi trường và trục xuất về quê Nghi Lộc (Nghệ An). Người thanh niên ấy, khi về tới quê hương vẫn muốn bắt liên lạc với tổ chức cách mạng. Anh được cấp trên giới thiệu đến gặp một người để giúp đỡ anh hoạt động và hoàn toàn bất ngờ khi người ấy lại là một phụ nữ.
Sau một thời gian hoạt động cùng nhau, anh mới nhận ra mình đã yêu người đồng chí ấy, dù biết rằng chị hơn tuổi anh. Nhưng bất ngờ nữa là khi anh ngỏ lời, chị đã từ chối. Người nữ cán bộ cách mạng ấy từ chối không vì lý do tuổi tác mà vì những tháng ngày gian lao ấy, chị biết mình đang phải đối diện với hiểm nguy, thậm chí có thể đánh đổi cả tính mạng. Anh nói rằng, nếu chị chối từ, anh sẽ không lấy ai khác nữa. Quả thực, không lâu sau đó, chị bị bắt, bị giam cầm, tra tấn trong nhà lao Vinh.
Mãi đến sau ngày Cách mạng tháng Tám thành công, họ mới gặp lại nhau. Lúc này, anh đã là Thường vụ Tỉnh ủy, cán bộ cấp trên của chị và điều ngạc nhiên nhất là anh vẫn chờ đợi chị suốt hơn 10 năm qua. Lần nữa, anh báo cáo tổ chức, và ngỏ lời cầu hôn chị, nhưng chị thêm lần nữa chối từ. Chị sợ những đòn roi tra tấn đã làm mình mất khả năng làm mẹ. Nhưng rồi, với tấm lòng tha thiết của anh, lại được tổ chức thuyết phục, chị đã nhận lời. Khi đám cưới của 2 người được tổ chức (năm 1948), tin vui ấy đã được đăng trên tờ báo tỉnh nhà.
Sau đó 2 năm, điều kỳ diệu đã đến với họ. Người nữ chiến sỹ cách mạng Nguyễn Thị Thiu đã hạ sinh một người con trai. Cậu bé Lê Huy Tiếp chính là kết tinh của mối tình được báo chí kể lại là “thủy chung hiếm thấy”. Đây cũng là người con duy nhất của gia đình 2 người chiến sỹ cách mạng Lê Huy Điệp và Nguyễn Thị Thiu. Ông Điệp nguyên là Phó Chủ tịch thường trực Mặt trận Tổ quốc Nghệ An. Bà Thiu (bạn hoạt động cách mạng cùng chị Nguyễn Thị Minh Khai, chị Nguyễn Thị Quang Thái), là Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Nghệ An, Trưởng đoàn đại biểu quốc hội Nghệ An khóa II.
Năm 1965, trên đường từ Nghệ An ra Hà Nội để khám bệnh, Lê Huy Tiếp gặp phải trận bom giặc Mỹ đánh và ngã xuống bên đường. Sau 3 ngày hôn mê, những chấn thương đã khiến anh mất đi một phần ký ức của mình bởi trí nhớ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Kể từ đó, mỗi khi tết đến, anh lại ngồi ngẫm ngợi. Anh khao khát được gọi ký ức trở về. Anh khao khát được nhìn rõ mình những ngày thơ bé, những cái tết sum vầy bên cha mẹ. Anh nói về cái cảm giác bồn chồn của mình khi nhìn những nhành lộc xuân nảy lên bên hiên nhà. Có một miền xanh tươi đâu đó, đã từng rực rỡ trong anh.
Câu chuyện của anh cứ khiến tôi nghĩ suy mãi về nỗi nhớ và sự lãng quên. Đâu đó giữa cuộc sống bộn bề của chúng ta, thứ gì đó đã trôi đi và lùi sâu vào tầng tầng lớp lớp quên lãng, nhưng chuyện nó từng tồn tại là có thật, chuyện nó từng khiến con người hạnh phúc hay buồn đau là có thật. Lãng quên, về khía cạnh nào đó cũng là mặt khác của ký ức. Có thể nó chính là cái khoảng trống mà con người khao khát và hân hoan muốn tìm về. Cũng giống như tha hương chỉ là một cách để sống với quê hương, ở một phần tâm trí khác.
Lê Huy Tiếp cũng vậy, anh đâu mất gì sau cái tai nạn kì quặc năm 1965 đó. Chẳng qua trí nhớ của anh đã bị che đi để nhường chỗ cho cái mà người ta gọi là nỗi nhớ. Để rồi trên mỗi bước đường đời, anh đã sống để xứng đáng với cái vinh dự được là đứa con duy nhất muộn màng của bà mẹ bốn mươi tư tuổi, sinh ra vào cái năm nghèo đói ở Anh Sơn, bà mẹ đã từng là một cán bộ cách mạng kiên cường thời chiến.
Để rồi trong mỗi bức tranh, Lê Huy Tiếp vẽ như thể muốn lưu lại vĩnh viễn bằng toan và màu sắc cái thế giới mà anh từng biết. Đấy cũng chính là cách người họa sĩ được sống với ký ức, hiện tại và cả tương lai của mình, thêm một lần nữa, mặc cho những nhớ quên.
Những bức tranh chứa đựng suy nghĩ trăn trở của anh về một thế giới với đủ đầy hương vị và màu sắc, đủ đầy vui buồn, đậm nhạt, sáng tối... Giống như một làn hương hoa, một tiếng chim thánh thót, một bản nhạc dập dìu, giống như một món ăn hợp khẩu vị đặt trên chiếc bàn trong căn phòng trang nhã, mỗi bức tranh đánh thức các giác quan của người thưởng lãm, đưa họ trở về với giấc mộng đẹp đẽ nhưng cũng chính là bản thể của mình.
Theo https://baonghean.vn/hoa-sy-le-huy-tiep-tai-nang-va-don-doc-126840.html